Trần Lập Đông bước xuống từ chiếc xe Citroen đầy sang trọng. Cũng đã hơn 7 năm anh đi học ở Mát-xcơ-va mới trở về. Mới đầu xuống máy bay ở Thị Gòn anh còn thấy quen bởi lúc bây giờ cũng đã phát triển, nhộn nhịp hơn nhiều. Mà sau khi đi xe hơn 7 tiếng về Cửu Long mới thấy hơi bỡ ngỡ. Đã 4 giờ chiều, nắng cuối ngày dịu bớt nền trời vàng ươm đẹp thì có đẹp nhưng lại hơi tịch liêu. Trần Lập Đông muốn một mình tự đi bộ trên con đường làng quen thuộc một chút nên bảo tài xế dừng xe ở nơi mà trong ký ức anh còn có ấn tượng. Anh mặc bộ đồ lịch sự, sơ mi trắng tinh tươm, chiếc áo vest không tay ôm sát bên ngoài cùng quần tây thẳng tấp. Cậu ba khuôn mặt tươi tắn, sống mũi cao cùng đôi mắt hai mí mang đậm ý vị đào hoa. Giữa con đường làng đơn sơ thì đúng là muôn vàng nổi bật.
Trần Lập Đông đi đi một hồi càng thăm thú lại càng thấy nhớ những năm còn nhỏ ở quê. Con đường này 7 năm qua hầu như cũng không có gì thay đổi. Một con đường đất với hai bên là hàng bạch đằng xanh ngát mát rượi, muốn bao nhiêu yên bình liền có bấy nhiêu.
Cậu ba Đông là con thứ 2 của ông Trần bá hộ nổi tiếng ở xứ Cửu Long này. Đất ruộng đất nhà ông phải nói là hơn trăm mẫu cò bay thẳng cánh. Bởi vậy cậu ba mới được nhà tài trợ tiền đi du học. Ở cái đất khỉ ho cò gáy, nghèo rớt mồng tơi chắc cũng chỉ có ông Trần Minh mới đủ kinh tế cho con mình sang Nga như vậy.
Cậu ba vừa đi vừa hít khí trời, đi từ đường lớn đi tới đường bờ ruộng nhỏ. Lúc này cũng đã gần 5 giờ, ruộng lúa mênh mông đang vào mùa trổ đồng đồng, vàng ươm cùng với nắng chiều càng thêm đẹp. Phía xa xa là khói lam chiều với mấy đàn cò đậu lại nghỉ chân trên cây cọ. Cậu ba trong người nổi máu thơ ca, vừa ngâm nga câu hát vừa đi. Ai có ngờ đi một hồi trời gần tối mà chưa thấy đường tới nhà đâu!
Trần Lập Đông nghĩ trong bụng: quái, mình nhớ rõ ràng như vậy sao đi mãi lại không thấy đường về nhà đâu? Có lẽ nào, nhà chuyển đi đâu rồi!
Thế đấy, cậu ba vẫn không chịu nhận là mình không nhớ đường. Lại nhìn quanh một lượt chỉ thấy ruộng lúa mênh mông đã không còn người nào. Nắng chiều cũng sắp thay bằng cảnh đêm thăm thẳm. Bất chợt, Trần Lập Đông thấy một người ở phía xa đang lom khom làm gì đó. Cậu ba lon ton chạy đến nhờ vã:
“Này, anh gì ơi!”
Cái vị anh gì ơi kia đứng thẳng người dậy đối diện với Trần Lập Đông. Cậu ba đứng trên bờ, anh trai đứng dưới ruộng ấy thế mà còn cao hơn cậu ba. Người này thân người cao lớn, làn da hơi ngâm đúng kiểu dân làm ruộng. Ngoài ra còn có…. cơ bắp cuồn cuộn. Cậu ba sáng mắt ra, ôi trời đúng là mấy cơ tay, cơ ngực mà mình ao ước bấy lâu nay!
Giọng người nọ rất trầm, lạnh nhạt trả lời:
“Có chuyện gì?”
“À, tôi ở phương xa có chút không rõ đường, anh có thể chỉ hộ tôi đường tới nhà ông Trần Minh không?”
Anh trai hơi nhíu mày nhìn người trước mặt, ăn mặc sang trọng như vậy hay là dòng họ xa nào đó của ông bá hộ đây. Nghĩ nghĩ chỉ thấy trong lòng không vừa bụng, mấy người giàu có toàn kẻ bóc lột hết, vậy nên giọng hắn còn khó nghe hơn:
“Từ đây đến đó đi bộ chắc 1 giờ nữa thì tới!”
“Cài gì, gì mà tới 1 giờ?” Cậu ba nghe mà choáng váng, nhà mình chuyển đi đâu mà xa vậy!
Anh trai trả lời xong không thèm để ý đến cậu ba nữa, lại lom khom bắt mấy con ốc bươu trên ruộng.
Cậu ba sau một hồi bở ngỡ lại nài nỉ:
“Này đằng đó, đằng đó có thể dẫn tôi về nhà không, giờ tôi không biết đường mà trời cũng tối rồi!”
“Sao tôi phải dẫn đi!” Hắn nói còn không thèm ngẩng đầu lên nhìn Trần Lập Đông.
Cậu ba gặp phải chàng trai vừa thẳng tính, vừa khó tính, lại vừa cộc tính như vậy cũng khó chịu gần chết. Cái tên này ngoài dáng người đẹp ra thì tính tình đúng là bỏ đi. Nhưng ngặt nỗi mình đang trong thế khó nên đành mặt dày nói tiếp:
“Đằng đó giúp tôi, tôi sẽ trả công cho, tôi có tiền!”
Trần Lập Đông nói đúng kiểu nhẹ nhàng, đáng thương ấy vậy mà vào tai của vị kia thì lại thành ra giọng của kẻ địa chủ thích quăng tiền vào mặt người khác rồi. Hắn không vừa lòng nhưng nghĩ lại người ta cũng xa lạ, không đụng chạm gì tới mình, giờ trời cũng tối không giúp có khi hắn phải ngủ ngoài ruộng cũng nên. Vậy là mềm lòng đồng ý dẫn vị Việt kiều đi lạc này về nhà.
Cậu ba mừng hết sức, còn chưa kịp cảm ơn thì người kia đã đi được một đoạn xa rồi. Chân dài đúng là có lợi thật. Cậu ba lại vội đi nhanh đuổi theo.
“Này, đằng ấy tên gì vậy?”
“Nhàn!” Đằng ấy trả lời gọn hơ một tiếng.
Cậu ba Đông xém chút cười phụt ra. Cậu thanh niên lực lưỡng này ấy vậy mà có cái tên “liễu yếu đào tơ” phếch.
Năm Nhàn dường như cảm nhận được ánh mắt lạ thường ở sau lưng xoay mặt lại nhìn. Cái tên đang cười tủm tỉm kia liền chột dạ mặt chuyển sang nghiêm túc hẳn.
Năm Nhàn tiếp tục đi không quên giải thích:
“Xưa nhà tôi nghèo, cha mẹ đẻ tôi ra mới đặt tên Nhàn cho sau này bớt khổ được nhàn hạ!”
Trần Lập Đông ò một tiếng rồi không nói gì nữa. Cơ mà năm Nhàn hình như có chút bất mãn, lại còn đi nhanh hơn. Cậu ba lon ton đuổi theo. Đường ruộng vừa nhỏ lại vừa hẹp, chưa kể nước đọng lại đi mệt gần chết. Đôi giày của cậu ba Đông cũng lắm lem bùn lầy. Ta nói đã xui còn gặp vận rủi, Trần Lập Đông đi vội trượt chân thế là ngã xuống ruộng. Cái mông cậu ba đập xuống bùn, đau thì không có đau mà nó vừa ướt vừa dơ hết cả.
“Ui da!”
Năm Nhàn nghe tiếng thì quay lại nhìn, chỉ thấy vị công tử nhà nào đó lúc nãy còn mỹ mạo như vậy bây giờ lại như mấy đứa trẻ con nghịch bùn. Thiệt là chật vật hết sức. Giúp người thì giúp cho trót vậy, năm Nhàn đi tới phụ đỡ Trần Lập Đông lên khỏi ruộng. Cậu ba vừa ấm ức lại vừa tức giận. Ngặt một nỗi tại mình chứ tại ai, biết đổ lỗi cho ai bây giờ. Đúng là cái bờ ruộng chết tiệt, cớ gì không làm rộng hơn một chút chớ.
Anh Năm người tốt nhìn một màn này, vừa thấy tội mà cũng vừa thấy mắc cười. Nhưng cười trước nỗi đau của người khác thì quá là vô lương tâm đi. Bởi vậy anh năm nuốt cái mắc cười xuống bụng, lại còn chu đáo hỏi thăm:
“Anh có sao không, có đi được không!”
Năm Nhàn tay còn ôm cái rổ ốc bươu cúi người từ trên cao nhìn xuống. Trần Lập Đông ngồi trên bờ ruộng nào có dám ngẩng lên, thật mất hết mặt mũi. Cậu ba chống tay đứng dậy lại phủi phủi cái áo dính đầy bùn lẩm bẩm:
“Không sao, đi thôi!”
—–Hết chương 1—-